Chứng ngưng thở khi ngủ – Nguyên nhân, cách khắc phục

Chứng ngưng thở khi ngủ là một trong những rối loạn giấc ngủ phổ biến nhưng lại thường bị bỏ qua hoặc chẩn đoán muộn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn.

Ngưng thở khi ngủ là như thế nào?

Chứng ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ xảy ra khi hơi thở ngừng hoặc bị gián đoạn trong lúc ngủ. Mỗi lần ngưng thở có thể kéo dài từ một vài giây tới hơn một phút và có thể lặp lại nhiều lần trong đêm.

Ngưng thở khi ngủ khiến hơi thở bị gián đoạn, cơ thể không nhận đủ oxy, dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn. Điều này khiến người mắc chứng ngưng thở khi ngủ cảm thấy mệt mỏi, uể oải vào ban ngày, bên cạnh đó nó còn gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng khác.

 Nguyên nhân nào gây ra chứng ngưng thở khi ngủ?

Chứng ngưng thở khi ngủ được chia làm 3 dạng phổ biến, tương ứng với nguyên nhân gây bệnh

1. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn:

Đây là dạng phổ biến nhất, xảy ra khi đường hô hấp bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Các mô mềm ở cổ họng hoặc lưỡi có thể sụp xuống trong lúc ngủ, làm chặn luồng không khí đi vào phổi.

Nguyên nhân:

  • Béo phì: Người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao vì mỡ thừa xung quanh cổ có thể làm hẹp đường thở.
  • Cấu trúc cơ thể bất thường: Amidan to, lưỡi lớn hoặc vòm miệng thấp là những yếu tố có thể cản trợ luồng khí.
  • Tuổi tác: Khi tuổi tác cao, các cơ ở cổ họng có xu hướng yếu đi, dễ dẫn đến tắc nghẽn.
  • Thói quen xấu: Hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng thuốc an thần có thể làm giãn các cơ ở cổ họng gây tắc nghẽn đường thở.

2. Ngưng thở khi ngủ trung ương

Là dạng có liên quan đến hệ thần kinh trung ương và ít phổ biến. Nó xảy ra khi não không gửi tín hiệu đúng cách để điều khiển việc thở dẫn tới hơi thở bị gián đoạn.

Nguyên nhân:

  • Tổn thương hoặc bất thường ở não: Đột quỵ, u não hoặc bệnh Parkinson có thể làm gián đoạn tín hiệu thần kinh điều khiển hơi thở.
  • Suy tim hoặc các bệnh lý tim mạch: Những người mắc các vấn đề về tim có nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở trung ương.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc an thần hoặc giảm đau mạnh có thể ảnh hưởng đến trung tâm điều khiển hô hấp.

3. Ngưng thở khi ngủ hỗn hợp

Là sự kết hợp của cả 2 dạng trên, triệu chứng phức tạp và khó điều trị.

Xem thêm: Lý do khiến bạn ngủ ngáy – Cách cải thiện ngủ ngáy hiệu quả

Dấu hiệu cho thấy có thể bạn đang mắc chứng ngưng thở khi ngủ

Trong lúc ngủ: 

  • Ngáy lớn: Đây là dấu hiệu phổ biến nhất, đặc biệt đối với ngưng thở do tắc nghẽn.
  • Ngừng thở ngắn: Người thân có thể nhận thấy bạn bị ngừng thở trong vài giây đến vài phút.
  • Thức dậy đột ngột: Tỉnh giấc đột ngột với cảm giác nghẹt thở hoặc thở gấp.
  • Mất ngủ hoặc khó ngủ sâu: Ngưng thở gián đoạn giấc ngủ khiến bạn khó có giấc ngủ sâu.

Ban ngày: 

  • Mệt mỏi và buồn ngủ: Do giấc ngủ không sâu và bị gián đoạn, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày.
  • Đau đầu buổi sáng: Thường do thiếu oxy trong máu vào ban đêm.
  • Khó tập trung: Tình trạng thiếu ngủ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tư duy và trí nhớ.
  • Tâm trạng thay đổi: Cáu gắt, lo âu hoặc trầm cảm là một số biểu hiện tâm lý thường gặp

Chứng ngưng thở khi ngủ có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:

  • Bệnh tim mạch: Ngưng thở làm tăng nguy cơ cao huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Tiểu đường loại 2: Tình trạng thiếu ngủ và giảm oxy máu có liên quan đến kháng insulin.
  • Suy giảm trí nhớ: Ngủ không sâu lâu dài có thể dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức.
  • Tai nạn giao thông: Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ gặp tai nạn cao hơn do buồn ngủ và mất tập trung khi lái xe.

Cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ tại nhà

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể được cải thiện tại nhà bằng 1 số biện pháp đơn giản sau:

  • Giảm cân: Cân nặng lý tưởng có thể giảm đáng kể nguy cơ tắc nghẽn đường thở.
  • Hạn chế rượu bia: Đặc biệt vào buổi tối, vì chúng có thể làm giãn cơ ở cổ họng.
  • Ngưng hút thuốc: Hút thuốc làm tăng viêm và sưng đường thở.
  • Thay đổi tư thế ngủ: Nằm nghiêng thay vì nằm ngửa có thể giúp giảm tắc nghẽn.
  • Máy CPAP: Thiết bị này cung cấp luồng khí liên tục để giữ đường thở mở khi ngủ.
  • Thiết bị nha khoa: Dùng để điều chỉnh hàm dưới hoặc lưỡi, giúp mở rộng đường thở.

Chứng ngưng thở khi ngủ là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu, tìm kiếm sự hỗ trợ y tế kịp thời và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp là chìa khóa để cải thiện tình trạng này. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA 5 SAO HÀ NỘI

Địa chỉ: Số 288 đường Hồ Tùng Mậu – Phú Diễn – Bắc Từ Liêm – Hà Nội

Nhắn tin: m.me/phongkham5saohanoi

Fanpage: https://phongkham5saohanoi

Hotline: 19001271

Tiktok: Phòng Khám Đa khoa 5 Sao Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900.1271 Messenger Đặt lịch Tư vấn