Mùa hè luôn là khoảng thời gian thú vị cho những hoạt động ngoài trời của các gia đình. Đặc biệt là các hoạt động bơi lội, vui chơi bên bờ biển, sông, suối hay tại các bể bơi… Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ bị đuối nước không chỉ đối với riêng trẻ nhỏ. Trang bị các kỹ năng bơi lội và nắm rõ cách sơ cứu đuối nước đúng kỹ thuật sẽ giúp các gia đình giảm thiểu tối đa xảy ra tai nạn không mong muốn.
Bệnh nhân đuối nước được xem là một trong những trường hợp có thể gây nguy hiểm nhất cho người cứu hộ. Khi ở trong cơn hoảng loạn, người bị đuối nước thường có xu hướng cào cấu những người cứu hộ và trèo lên mặt nước bằng mọi giá. Vậy nên, khi tham gia cứu hộ người bị đuối nước bạn phải là người đã được đào tạo bài bản.
Xem thêm: Cách sơ cứu khi bị bỏng
1. Các trường hợp đuối nước
Phần lớn các trường hợp đuối nước xảy ra do người bệnh kiệt sức hoặc do không biết bơi. Ngoài ra người bệnh ngạt nước có thể gặp các trường hợp như: sốc nước dẫn tới ngất khi tiếp xúc với nước, ngạt nước do chấn thương, do nhiệt độ chêch lệch cao…
2. Đuối nước thường dẫn tới tử vong
Các nạn nhân đuối nước thường không thể khua tay và kêu cứu, họ sẽ giữ im lặng khi họ đang khó thở và từ từ chết đuối một cách lặng lẽ.
Khi bị đuối nước, nước xâm nhập qua mũi và miệng, khiến người bệnh ban đầu thở hổn hển và nuốt một lượng nước nhỏ. Tiếp theo sẽ là phản xạ tự nhiên nín thở trước khi cảm giác muốn hít vào trở nên quá mức.
Điều tiếp theo xảy ra có thể là “chết đuối khô” hoặc “chết đuối ướt”
– Trong trường hợp chết đuối khô, nước chạm đến thanh quản và gây co thắt thanh quản khiến đường thở bị đóng hoàn toàn. Người bị đuối nước không thể hít thở không khí và sẽ bị ngạt thở.
– Trong trường hợp đuối nước ướt: Co thắt thanh quản diễn ra chỉ 1 phần khiến nước xâm nhập vào phổi. Phổi không thể thực hiện chức năng cung cấp oxy trong máu.
Trong cả hai trường hợp, nạn nhân đều sẽ tử vong do thiếu oxy nếu không được sơ cứu đuối nước kịp thời.
Chết đuối muộn
Đuối nước thứ cấp có thể xảy ra với nạn nhân suýt chết đuối trong vòng 8 giờ sau khi họ được cứu do một lượng nước nhỏ còn lại trong phổi dẫn tới phù phổi, suy phổi và tử vong.
Đuối nước muộn có thể không biểu hiện triệu chứng nên bạn phải đến các cơ sở y tế để được kiểm tra. Các triệu chứng có thể xảy ra của “chết đuối muộn” bao gồm:
– Ho dai dẳng
– Đau ngực
– Khó thở
– Hô hấp yếu
3. Cách sơ cứu đuối nước đúng kỹ thuật
3.1 Dấu hiệu cho thấy một người bị đuối nước
Một số dấu hiệu tham khảo thể hiện một người đang bị đuối nước
– Nạn nhân hiếm có thể kêu cứu
– Nạn nhân có cử động tay theo bản năng – đập nước bằng cả hai tay dang rộng một phần từ hai bên
– Nạn nhân thường xoay sở để quay về phía bờ. Có thể giữ ở tư thế thẳng đứng, không có cú đá chân hỗ trợ.
– Nạn nhận hoàn toàn mất kiểm soát ở trong nước
3.2 Làm gì khi thấy người bị đuối nước
– Bước 1: Gọi người hỗ trợ ngay lập tức
Không cố gắng xuống nước để cứu người nếu bạn chưa được huấn luyện bởi bạn có thể gây nguy hiểm cho chính mình.
– Bước 2: Tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi nước. Nếu nạn nhân còn tỉnh hãy ném cho họ phao, dầu dây hoặc sào dài để kéo họ vào. Nếu nạn nhân đã bất tỉnh và bạn là người bơi giỏi, được huấn luyện cấp cứu người bị đuối nước thì có thể xuống nước và đưa nạn nhân vào bờ ở tư thế mặt và cổ hướng lên trên.
– Bước 3: Nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi khô ráo, bằng phẳng. Đặt nạn nhân nằm ngửa, bắt đầu hồi sức/CPR nếu không thấy nạn nhân có nhịp thở hoặc nhịp tim tự nhiên.
3.3 Nguyên tắc sơ cứu đuối nước
Khi một người bị đuối nước, họ sẽ trải qua 4 giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1: Nạn nhân hít nước vào phế quản, dẫn đến phản xạ đóng dây thần kinh chi phối cảm giác ở cổ họng, lưỡi và tai gây ngưng thở.
– Giai đoạn 2: Nồng độ CO2 trong máu tăng nhanh, khiến nạn nhân hôn mê, co giật. Trong phản xạ vô thức, nạn nhân sẽ hít thêm nước vào phổi.
– Giai đoạn 3: Nạn nhân lâm vào trạng thái hôn mê sâu, truỵ tim mạch
– Giai đoạn 4: Nạn nhân ngưng tim, tổn thương não không hồi phục.
Để sơ cấp cứu người bị đuối nước các bạn phải lưu ý các quy tắc sau:
– Xem xét nhanh chóng tình hình nạn nhân và những phương tiện/con người có thể hỗ trợ
– Đưa ra quyết định nhanh chóng để đưa nạn nhân ra khỏi nước
– Không tiến hành cấp cứu nhiều người cùng lúc. Ưu tiên người gần, người yếu trước.
– Phải có kỹ năng đúng để tiếp cận, hỗ trợ người đuối nước. Không xuống nước khi không được đào tạo, huấn luyện.
3.4 Cách sơ cứu đuối nước đúng kỹ thuật
– Đánh giá tình trạng nạn nhân để có cách sơ cứu đuối nước hợp lý
Khi nạn nhân đã được đưa lên bờ, đánh giá tình trạng nạn nhân bằng cách lay gọi. Nếu nạn nhân còn tỉnh, sẽ thấy mắt, tay/chân có cử động nhẹ hoặc nôn ra nước. Nếu nạn nhân không có phản ứng tức là đã bị hôn mê.
– Sơ cứu đuối nước với nạn nhân còn tỉnh:
Đặt nạn nhân ở tư thế 1 tay cao ngang vai, tay đối diện vòng qua và đặt lên má, chân đối diện cao lên gác qua chân còn lại, dùng tay đặt ở hông và vai, nghiêng nạn nhân về phía bạn.
– Sơ cứu đuối nước với nạn nhân đã hôn mê
Khi nạn nhân đã hôn mê, bạn phải tiến hành kiểm tra động mạch cảnh của nạn nhân bằng cách dùng 2 ngón tay đặt nhẹ vào mạch cảnh và cảm nhận trong 10 giây. Nếu không thấy mạch đập thì có nghĩa là nạn nhân đã bị ngưng tim. Khi đó bạn cần làm tiến hành hồi sức tim phổi cho nạn nhân (CPR) theo cách sau:
Bước 1: Quỳ 2 gối cạnh vùng ngực của nạn nhân.
Bước 2: Xác định vị trói ép tim (đường nối giữa hai núm vú)
Bước 3: Dùng khăn lau sạch chất tiết nạn nhân nôn ở miệng, vướng trên mũi, lấy những dị vật có thể lấy được.
Bước 4: Đan 2 bàn tay vào nhau (Đối với người lớn) và sử dụng 1 bàn tay đối với trẻ em dưới 8 tuổi, đặt ở vị trí ép tim đã xác định, trục cánh tay thẳng với thân người, ép sâu 5-6cm đối với người lớn, 3-4cm đối với trẻ từ 1-8 tuổi, 1-2cm đối với trẻ dưới 1 tuổi. Tần số ép khoảng 100 lần/phút, ép liên tục 30 cái.
Bước 5: Hô hấp nhân tạo: Dùng 2 tay ngửa đầu và nâng cằm nạn nhân, dùng 2 ngón tay kẹp mũi nạn nhân. Dùng miệng áp sát miệng nạn nhân và thổi 2 hơi thật mạnh trong 2 giây.
Bước 6: Tiếp tục ép tim và hô hấp nhân tạo cho đến khi nạn nhân có nhịp tim hoặc đội cứu hộ đến
—–
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA 5 SAO HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 288 đường Hồ Tùng Mậu – Phú Diễn – Bắc Từ Liêm – Hà Nội
Nhắn tin: m.me/phongkham5saohanoi
Fanpage: https://phongkham5saohanoi
Hotline: 19001271