Tầm soát ung thư có thể được thực hiện thông qua các phương tiện hình ảnh và xét nghiệm, giúp phát hiện sớm các tế bào bất thường và tế bào ác tính trong cơ thể.
Tầm soát ung thư được thực hiện như thế nào?
Quy trình tầm soát thường sẽ được thực hiện theo các bước sau:
- Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi về các yếu tố nguy cơ cũng như tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát, cũng như hỏi về các triệu chứng bất thường của cơ thể nếu có… Những thông tin này là các căn cứ để bác sĩ đưa ra những phương thức tầm soát phù hợp.
- Thực hiện một số kiểm tra cận lâm sàng cơ bản
Sau khi đã khám lâm sàng, bạn sẽ được sắp xếp làm một số kiểm tra cận lâm sàng cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm phân…
Ngoài các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể chỉ định thăm dò bằng hình ảnh với các phương thức chẩn đoán hình ảnh như nội soi, siêu âm, chụp X-quang, chụp CT cắt lớp, chụp cộng hưởng từ…
Đối tượng nào cần tầm soát ung thư?
Theo các chuyên gia, rất nhiều bệnh lý, nhất là các bệnh ung thư thường không có biểu hiện ở giai đoạn đầu, hoặc chỉ có những dấu hiệu thoáng qua. Do đó, chúng ta thường có tâm lý chủ quan, không đi khám sớm. Đến giai đoạn giữa và giai đoạn cuối, bệnh mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng rõ rệt, nhưng cơ hội điều trị bệnh ở giai đoạn này sẽ thấp hơn rất nhiều.
Bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này, nhưng những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ cao hơn và nên tầm soát ung thư sớm và thường xuyên
- Người có chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học.
- Những người mắc bệnh lý mạn tính, đặc biệt là các bệnh về gan, dạ dày và phổi.
- Tiền sử bệnh gia đình.
- Người làm việc và sinh sống trong môi trường độc hại, nhiễm hóa chất thì nguy cơ ung thư của họ cũng sẽ cao hơn.
- Độ tuổi và giới tính.
Các loại tầm soát ung thư cần làm khi ở tuổi 50
- Nội soi dạ dày
Nếu bạn có chế độ ăn uống không hợp lý quanh năm, dạ dày sẽ bị tổn thương lâu dài. Sau tuổi 50, chức năng tiêu hóa suy giảm, các tổn thương dạ dày ngày càng lộ rõ nên cần chú ý đến việc phòng ngừa và sàng lọc ung thư dạ dày.
Khi phát hiện các tổn thương nghi ngờ, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết hoặc cắt bỏ tổn thương. Sau khi tổn thương được sinh thiết/cắt bỏ, mẫu mô thu thập được sẽ gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh nhằm xác định bản chất tổn thương.
Trong một số trường hợp, nội soi có thể kết hợp với siêu âm để khảo sát các tổn thương thuộc lớp dưới niêm mạc của đường tiêu hóa, hoặc khảo sát các cấu trúc lân cận như hạch bạch huyết, tụy, túi mật, gan.
- CT phổi
Nhiều người tử vong do ung thư phổi vì hút thuốc lá lâu ngày hoặc làm các công việc độc hại (tiếp xúc bụi, silic…). So với X-quang, chụp CT rõ ràng và toàn diện hơn, đồng thời cũng có thể xác định chính xác hơn liệu các nốt trên phổi có phải là ung thư hay không. Bạn nên sử dụng CT liều thấp để giảm bức xạ không cần thiết.
- Siêu âm gan và xét nghiệm Alpha-fetoprotein
Ung thư gan cũng nằm trong số những bệnh ung thư hàng đầu ở nhiều quốc gia. Gan có vai trò giải độc và tham gia vào nhiều quá trình trao đổi chất trong hệ tiêu hóa, khi chức năng gan suy giảm, cơ thể sẽ có những thay đổi bệnh lý rõ rệt. Những người có tiền sử nghiện rượu hoặc nhiễm virus viêm gan nên siêu âm màu gan định kỳ.
Alpha-fetoprotein (AFP) là protein huyết tương có nồng độ cao trong máu thai nhi. Thông thường, một protein AFP sẽ được tạo ra bởi các tế bào gan chưa trưởng thành trong bào thai. Về sinh lý, vào năm đầu đời khi mới sinh, trẻ có nồng độ AFP trong máu tương đối cao, giảm dần xuống mức thông thường. Những người trưởng thành khỏe mạnh và không mang thai thường có nồng độ AFP trong máu rất thấp (không vượt quá 10 ng/ml). Phát hiện hàm lượng alpha-fetoprotein là phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán bước đầu của ung thư gan.
- Tầm soát ung thư cổ tử cung
Các bước tầm soát ung thư cổ tử cung đó là: Khám phụ khoa để nhận biết các dấu hiệu lâm sàng cảnh báo nguy cơ mắc bệnh. Chỉ định siêu âm đầu dò âm đạo tử cung – phần phụ, xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap Smear để nhận diện những tế bào bất thường ở cổ tử cung.
Sinh thiết cổ tử cung: áp dụng đối với trường hợp kết quả xét nghiệm bất thường. Hiện nay các phương pháp phát hiện ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến là xét nghiệm tế bào cổ tử cung (Pap test hoặc TCT/LCT) và xét nghiệm HPV.
- Nội soi đại tràng
Nội soi có nhiều chỉ định và cả chống chỉ định, bao gồm những người bị hẹp hậu môn trực tràng, bệnh nhân có triệu chứng kích ứng phúc mạc, tổn thương đau ở hậu môn, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, tăng huyết áp nặng, thiếu máu, bệnh tim mạch vành, suy tim phổi… Chỉ sau khi loại bỏ được những chống chỉ định này, nội soi đại tràng có liên quan mới được thực hiện.
Theo: suckhoedoisong.vn