Bệnh tiểu đường – Những thông tin cơ bản

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù loà, suy thận, đau tim, đột quỵ và cắt cụt chi dưới.

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính xảy ra khi tuyến tuỵ sản xuất không đủ insulin hoặc khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất.

Nguyên lý hoạt động của insulin như sau:

Cơ thể con người sẽ phân huỷ hầu hết thức ăn bạn ăn thành đường glucose và giải phóng nó vào máu. Khi lượng đường trong máu tăng lên, nó sẽ cảnh báo tuyến tuỵ tiết ra insulin(một loại hormone). Khi đó insulin sẽ hoạt động như một chiếc chìa khoá để đưa lượng đường trong máu vào các tế bào trong cơ thể để sử dụng làm năng lượng.

Khi không có đủ insulin hoặc khi tế bào không có phản ứng với insulin, lượng đường sẽ bị tích tụ trong máu,gây nên tình trạng tăng đường huyết và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến nhiều hệ thống của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Hầu hết các dạng bệnh tiểu đường đều là mạn tính, chúng đều có thể được kiểm soát bằng thuốc và một lối sống khoa học.

benh-tieu-duong-nhung-dieu-can-biet

2. Triệu chứng và phân loại bệnh

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể xảy ra đột ngột. Ở một số giai đoạn bệnh, triệu chứng có thể nhẹ hơn và mất nhiều năm để phát hiện ra:

– Thường xuyên khát nước, khô miệng

– Đi tiểu thường xuyên

– Mệt mỏi

– Tầm nhìn mờ

– Giảm cân không rõ nguyên nhân

– Vết loét, vết thương khó lành

– Nhiễm nấm da, nấm âm đạo thường xuyên

2.1 Tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường loại 1 được cho là do phản ứng tự miễn dịch (cơ thể tự tấn công do nhầm lẫn). Phản ứng này ngăn cơ thể bạn sản xuất insulin dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối. Bệnh thường khởi phát ở tuổi vị thành niên hoặc trẻ em. Tiểu đường loại 1 là thể bệnh nặng, xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính sau khi bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc. Người bệnh bị tiểu đường type 1 phải sử dụng insulin hàng ngày. Hiện nay, chưa có cách phòng ngừa tiểu đường type 1.

2.2 Tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra do tế bào của cơ thể kháng với insulin dẫn tới thiếu insulin tương đối. Khoảng 90-95% số lượng người mắc tiểu đường thuộc dạng type 2. Bệnh phát triển trong thời gian dài và thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh tiểu đường type 2 có thể phòng ngừa được. Các yếu tố góp phần phát triển bệnh tiểu đường loại 2 là thừa cân, di truyền và không tập thể dục.

Chẩn đoán sớm thông qua các kỳ kiểm tra sức khoẻ định kỳ ngay cả khi bạn chưa có triệu chứng là cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

2.3 Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ xuất hiện ở những phụ nữ mang thai chưa từng mắc tiểu đường trước đó. Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, em bé sẽ có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khoẻ. Loại bệnh này thường sẽ tự khỏi sau khi bạn sinh con, tuy nhiên nó sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường type 2 sau khi bạn lớn tuổi. Em bé sẽ có khả năng bị béo phì từ khi còn nhỏ hoặc phát triển bệnh tiểu đường type 2 sau này.

Bệnh tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán, sàng lọc trước sinh.

2.4 Suy giảm dung nạp glucose và suy giảm đường huyết lúc đói

Đây là hai tình trạng bệnh trung gian trong quá trình chuyển đổi giữa trạng thái bình thường và bệnh tiểu đường. Những người mắc chứng suy giảm dung nạp glucose và suy giảm đường huyết lúc đói có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2 trong tương lai.

3. Biến chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính đột ngột, nghiêm trọng và lâu dài.

3.1 Biến chứng cấp tính

– Tình trạng tăng áp lực thẩm thấu(HHS): Biến chứng này chủ yếu ảnh hưởng tới người bị tiểu đường type 2. Nó xảy ra khi lượng đường trong máu của bạn đạt đến 600 mg/dL trong một thời gian dài dẫn đến mất nước nghiêm trọng và lú lẫn.

– Nhiễm toan ceton(DKA): Biến chứng này chủ yếu ảnh hưởng tới người bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 1 chưa được chẩn đoán. Nó xảy ra khi cơ thể không có insulin để phân huỷ glucose thành năng lượng, thay vào đó nó sẽ phân huỷ chất béo. Quá trình này sẽ giải phóng chất gọi là xeton khiến máu có tính axit. Điều này gây tình trạng khó thở, nôn mửa và mất ý thức.

– Hạ đường huyết: Xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức có lợi cho cơ thể. Chủ yếu xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường sử dụng insulin. Dấu hiệu bao gồm: mờ mắt, mất phương hướng, co giật.

3.2 Biến chứng lâu dài

Mức đường huyết trong máu duy trì quá cao trong thời gian dài sẽ làm hỏng các mô và cơ quan của cơ thể. Điều này chủ yếu là do tổn thương các mạch máu và dây thần kinh hỗ trợ mô.

Biến chứng lâu dài phổ biến nhất của bệnh tiểu đường bao gồm:

– Bệnh động mạch vành

– Đau tim

– Đột quỵ

– Xơ vữa động mạch

– Tổn thương thần kinh

– Bệnh thận, suy thận

– Bệnh võng mạc có thể dẫn đến mù loà

– Nhiễm trùng da

– Cắt cụt chi

– Mất thính lực

– Gặp các vấn đề về sức khoẻ răng miệng…

– Trầm cảm do sống chung với bệnh tiểu đường

4. Phòng ngừa bệnh tiểu đường

Thay đổi lối sống là cách tốt nhất để ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2. Chúng ta nên thực hiện các cách sau:

– Chế độ ăn uống lành mạnh

– Tích cực hoạt động thể chất

– Giữ cân nặng ở mức ổn định và phù hợp

– Không hút thuốc lá

– Hạn chế uống rượu

– Ngủ đủ giấc, giảm thiểu căng thẳng

5. Chẩn đoán và điều trị

5.1 Chẩn đoán

Chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường thông qua xét nghiệm định kỳ:

– Xét nghiệm đường huyết lúc đói

– Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên

– Xét nghiệm HbA1C

5.2 Kiểm soát

Bốn khía cạnh chính của việc kiểm soát bệnh tiểu đường bao gồm:

– Theo dõi lượng đường trong máu: Điều này cung cấp thông tin về cách kiểm soát bệnh hàng ngày thậm chí hàng giờ.

– Thuốc điều trị tiểu đường: Chủ yếu dùng cho người bệnh tiểu đường type 2. Nó giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mà cơ thể vẫn sản xuất insulin.

– Chế độ ăn uống: Chọn chế độ ăn uống lành mạnh.

– Tập thể dục: Hoạt động thể chất sẽ làm tăng độ nhạy của insulin giúp làm giảm tình trạng kháng insulin. Điều này tốt cho tất cả các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

5.3 Điều trị

Bệnh tiểu đường loại 2 sẽ cần dùng thuốc để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Bao gồm tiêm insulin và một số loại thuốc như: Metformin, Sulfonylurea, thuốc ức chế đồng vận chuyển natri-glucoser loại 2…

Cùng với thuốc hạ đường huyết, người mắc bệnh tiểu đường cần dùng thuốc hạ huyết ap và Statin để giảm nguy cơ biến chứng.

—-

PHÒNG KHÁM ĐA KHOA 5 SAO HÀ NỘI

Địa chỉ: Số 288 đường Hồ Tùng Mậu – Phú Diễn – Bắc Từ Liêm – Hà Nội

Nhắn tin: m.me/phongkham5saohanoi

Fanpage: https://phongkham5saohanoi

Hotline: 19001271

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1900.1271 Messenger Đặt lịch Tư vấn